Trào lưu dòng nhạc hải ngoại Nhạc hải ngoại

Các nhạc sĩ của Việt Nam Cộng hòa sau 1975 định cư tại nước ngoài vẫn tiếp tục sáng tác và cùng với những nhạc sĩ trẻ hơn đã tạo nên dòng nhạc hải ngoại.

Tác phẩm thâu thanh đầu tiên tại hải ngoại là cuốn cassette Khi tôi về của ca sĩ Khánh Ly[1] và Thanh Thúy 1: Saigon ơi! Vĩnh biệt của ca sĩ Thanh Thúy được phát hành tháng 5 năm 1976.

Đề tài hoài niệm

Những nhạc sĩ tên tuổi đầu tiên rời Việt Nam khoảng cuối năm 1975. Trong những năm đầu, một chủ đề sáng tác chính của họ là nỗi nhớ quê hương và Sài Gòn như "Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt" của Nam Lộc, "Đêm nhớ trăng Sài Gòn" của Phạm Đình Chương, "Khi xa Sài Gòn" của Lê Uyên Phương, "Việt Nam về trong nỗi nhớ", "Đêm nhớ về Sài Gòn" của Trầm Tử Thiêng, "Quê hương bỏ lại" của Tô Huyền Vân, "Đường về quê hương" của Lam Phương...

Đề tài phản kháng, đấu tranh

Chủ đề thân phận lưu vong cũng được nói đến với loạt bài "Tỵ nạn ca" của Phạm Duy, "Người di tản buồn" của Nam Lộc, "Ai trở về xứ Việt" của Võ Tá Hân, Phan Văn Hưng, "Một chút quà cho quê hương" của Việt Dzũng... Một chủ đề phổ biến nữa là phục quốc kháng chiến nói lên mong muốn được quay trở lại miền Nam với Trần Thiện Khải (thuộc Mặt Trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam với các ca khúc mang âm hưởng tiền chiến như "Em vẫn đợi anh về", "Trăng chiến khu", "Những người em ở làng Đồng Sơn"), Hoàng Nguyên Linh, Nguyệt Ánh ("Anh vẫn mơ một ngày về", "Trả ta sông núi"), Nguyễn Hữu Nghĩa ("Vùng dậy anh em ơi", "Đất nước lâm nguy", "Việt Nam đứng lên", "Hưng khúc Việt Nam").

Từ khoảng đầu thập kỷ 1980, một số nhạc sĩ sau thời gian cải tạo tại Việt Nam ra định cư ở nước ngoài. Họ viết nhiều ca khúc tả lại thời gian cải tạo ở Việt Nam như Hà Thúc Sinh với tập Tủi nhục ca năm 1982, Nguyễn Hữu Nghĩa với Chiến Ca, Châu Đình An với Những lời ca thép năm 1982... Phạm Duy cũng sáng tác 20 bài lấy tựa là Ngục ca phổ từ thơ tù của Nguyễn Chí Thiện trong tập thơ Tiếng vọng từ đáy vực.

Tình ca tái xuất hiện

Đến giữa thập niên 1980, các nhạc sĩ bắt đầu bớt chủ đề phục quốc kháng chiến và tỵ nạn, quay lại viết các bản tình ca. Ở giai đoạn này, những nhạc sĩ tiêu biểu có thể kể đến Đức Huy với "Và Con Tim Đã Vui Trở Lại", Trần Quảng Nam với "Mười Năm Tình Cũ", Hoàng Thanh Tâm với "Tháng Sáu Trời Mưa", Trúc Hồ với "Trái Tim Mùa Đông", Ngọc Trọng với "Buồn Vương Màu Áo", Trịnh Nam Sơn với "Dĩ vãng", Nguyễn Tâm với "Rong Rêu", Phạm Anh Dũng với "Dạ Quỳnh Hương", Lê Tín Hương với "Có Những Niềm Riêng"... Ngô Thụy Miên tại hải ngoại cũng có nhiều sáng tác mới, trong đó "Riêng một góc trời" viết năm 1997.

Nhiều băng nhạc thu âm ở Sài Gòn từ trước 1975 được tái phát hành. Từ năm 1982, hiện tượng phục sinh nhạc tiền chiến được phát triển rộng rãi ở hải ngoại. Các ca sĩ Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Sĩ Phú, Elvis Phương, Ngọc Minh,... trong những năm 1982 đến 1989 đã thu âm và phát hành cả trăm băng nhạc tiền chiến và tình khúc 1954-1975. Dòng nhạc vàng cũng được tiếp tục với các ca sĩ Duy Khánh, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Tuấn Vũ,... Một tầng lớp ca sĩ mới xuất hiện như Ngọc Lan, Don Hồ, Như Quỳnh, Ngọc Hạ, Trường Vũ, Nguyễn Thắng...

Sinh hoạt ca

Thời gian này cũng là thời gian phát triển Hưng ca với nhóm Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris với các nhạc sĩ Phan Văn Hưng, Khúc Lan, Đinh Tuấn và Phong trào Hưng ca tại Mỹ với các nhạc sĩ Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Huỳnh Công Ánh, Châu Đình An, Nguyễn Hữu Nghĩa, Hà Thúc Sinh. Cùng thời gian này có phong trào hát lại mảng hùng ca, lịch sử ca của nhạc tiền chiến, với những ca khúc được sáng tác thời kháng chiến chống Pháp, như "Hội nghị Diên Hồng", "Bạch Đằng Giang" của Lưu Hữu Phước, Chiến sĩ ca, "Không quân Việt Nam" của Văn Cao, "Xuất quân" của Phạm Duy, các bài lịch sử ca của nhóm Tổng hội Sinh viên, nhóm Đồng Vọng và của phong trào Hướng Đạo Việt Nam như "Bóng cờ lau", "Nước non Lam Sơn" của Hoàng Quý, "Hùng Vương", "Trưng Nữ Vương" của Thẩm Oánh...

Thể nhạc mới

Từ giữa thập niên 1990, cũng có nhiều nghệ sĩ sáng tác nhạc new age, new wave, rap, hip hop lời Việt như Phong Lê, Heart2Exist (Lê Huy Phong & Lê Huy Phát). Hoặc các ca sĩ hát nhạc trẻ với tiết điệu nhanh, mới nổi lên như Lương Tùng Quang, Andy Quách, Nguyễn Thắng, Cát Tiên, VPop, Asia4, Dương Triệu Vũ...

Các trung tâm nhạc hải ngoại như Thúy Nga, Asia, Vân Sơn, Làng Văn đã giúp bảo tồn và phổ biến nhạc Việt trong một thời gian dài tại hải ngoại. Tuy nhiên, những ca khúc được trình diễn trong các chương trình đại nhạc hội của các trung tâm này thường thu hẹp trong phạm vi nhạc phổ thông, nhạc trẻ chiều theo thị hiếu. Các nhạc sĩ độc lập không thuộc các trung tâm trên hoặc thuộc dòng nhạc khác, rất khó và thiếu điều kiện để phổ biến sáng tác của mình trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Tuy khó, nhưng một số nhạc sĩ độc lập vẫn thành công và được biết rộng rãi như Võ Tá Hân, Diệu Hương, Võ Đông Điền, Nguyên Bích, Lê Tín Hương, Đăng Khánh, Trần Duy Đức, Xuân Điềm, Bảo Trường, Phạm Anh Dũng...

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhạc hải ngoại http://www.cuongvu.com/ http://www.latimes.com/news/local/orange/la-tm-nuv... http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsutannhacvn... http://ngoisao.net/News/Hau-truong/2004/05/3B9AD09... http://www.tienghatquehuong.net/PhuongCa.htm http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/music_LeVan... http://www.vietsuca.org/Cat.aspx?menu=sunhac http://dantri.com.vn/c730/s154-68380/mua-kiet-sao.... http://www.laodong.com.vn/Home/5-nam-Nha-nhac-song... http://nld.com.vn/134343P0C1020/vi-do-la-em-da-duo...